Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp
người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất
cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết
nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng
kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh
mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.
Ấp trưởng làng này vừa giàu
sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn
đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai
giai nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi
đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm
ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc,
Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập,
Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở
phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức
dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra
một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long
chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi
nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình
bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa... Độc dược của bà
chính cung... Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành
một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên
này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên
ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa... Hộc tốc lao đi
trong đêm.
Sáng hôm sau,
mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua
tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại,
quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.
Trước phủ
chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích
thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng
trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên
trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm
tỏ vẻ khinh miệt:
- Ta tưởng thế nào... Tài giỏi như Trạng mà cũng
ăn cả cái vứt đi này à?
- Khải chúa.
- Quỳnh đáp lại
không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân
bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.
Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa
biết mình lở lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có
cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục
trượng vì tội nói láo và báo sai.
Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ
biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn
không quên giễu chúa bằng những câu khéo:
- Xin chúa rộng lượng tha
thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét