Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Nhận xét của một số nhà lý luận, phê bình văn học về Trạng Quỳnh


Đinh Gia Khánh:

"Truyện Trạng Quỳnh đả kích mạnh mẽ vào toàn bộ giai cấp phong kiến từ nho sĩ (Ông Tú Cát, Quan trường mắc lỡm); phú hào (Ông nọ bà kia) quan lại (Nhặt bã trầu, Lỡm quan thị, Chọi gà); chúa Trịnh (Tương muối cũng ngon, Chúa ngủ ngày, Cây nhà lá vườn), vua Lê (Ăn trộm mèo, Tiên sư thằng bảo thái); thần linh (Cấy rẽ ruộng chúa Liễu, Vay tiền chúa, Trả ơn chúa Liễu, Cúng thành hoàng, Bà Banh mất thiêng, Phật say). Trong hệ thống truyện Trạng Quỳnh, lại không thiếu một nội dung rất quen thuộc của truyện dân gian là việc đề cao ý thức dân tộc (Vua Tàu thử sứ, Sứ Tàu mắc lỡm). Nhưng nội dung quán xuyến toàn bộ tác phẩm là tiến công vào mọi thiết chế của Nhà nước phong kiến từ thấp đến cao. Từ việc đặt câu đối "Giời sinh ông Tú Cát - Đất nứt con bọ hung", "Miệng kẻ sang có gang có thép - Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm" để đả kích nho sĩ, quan lại, đến việc giải thích hai chữ "ngọa sơn" để chửi chúa Trịnh, từ việc gọi thần Thành hoàng một cách xách mé là chú ("chú là kẻ cả trong làng, ta là người sang trong nước") đến việc làm thơ nhạo Phật:

"Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
Dập dềnh như tỉnh lại như say.
Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?
Còn có, cho vay một nậm đầy".


- thì rõ ràng truyện Trạng Quỳnh không kiêng nể bất cứ một thứ uy quyền nào của Nhà nước phong kiến. Nhân vật Trạng Quỳnh "không biết trên đầu có ai" ấy sau cùng có chết thì truyện mới kết thúc được. Nhưng để kết thúc truyện, tác giả dân gian lại xây dựng tình tiết Trạng chết chúa cũng thăng hà. Trạng Quỳnh bị chúa đánh thuốc độc, Trạng Quỳnh biết mình không tránh khỏi cái chết, nhưng Trạng đã bày mẹo đánh lừa, khiến chúa Trịnh cũng ăn phải thuốc độc mà chết theo. Thế là "Trạng chết chúa cũng thăng hà, dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn". Thế là đến khi chết rồi, Trạng Quỳnh vẫn chưa hết tiến công vào vua chúa. Có thể nói truyện Trạng Quỳnh là hệ thống truyện cười có tính chiến đấu cao nhất, tiêu biểu nhất trong thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến".

(Văn học dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1973, tập 2, trang 210, 211).


Tô Hoài:

"Thói thường, người ta nghĩ thủ đoạn châm biếm bóng gió là đòn ngầm của kẻ khôn ngoan, nhưng yếu. Đọc Trạng Quỳnh thấy hoàn toàn không phải thế. Đối mặt với Trạng Quỳnh, đến trời đất thần Phật tôn nghiêm thiêng liêng thống trị đầu óc con người thời ấy cũng phải chịu một phép. Sá gì bọn vua chúa, quan cách, là nhà giàu hợm của, những nhãi nhép nịnh bợ thổi kèn đu đủ, tất cả lúc nhúc, đáng khinh đáng tởm, tất cả bị Trạng vặt râu, Trạng đập đánh túi bụi, sau cùng Trạng nhổ bãi nước bọt vào mặt, rồi Trạng Quỳnh cất tiếng cười hả hê. Cái sảng khoái coi trời chỉ bằng vung ấy bộc lộ nỗi lòng và niềm vui của cả nghìn cả triệu con người, các thế hệ nhân dân lao động phản kháng áp bức, chống quyền thế phong kiến. Võ khí dăng dăng la liệt mọi nơi, làng xóm, chợ búa, hàng quán, đám hội, vạn chài trên sông bể, chuyện Trạng Quỳnh được kể đi kể lại, người kể và người nghe ngồi chung với nhau thành một tác giả, làm phong phú mãi câu chuyện bịa đặt mà như thật... những tiếng cười tiêu biểu tâm hồn lạc quan của con người".


Vũ Ngọc Khánh:

Cái hài hước, cái chống đối của tâm lý Việt Nam dưới chế độ cũ, là sự phản kháng chống lại áp bức bất công chứ không phải là do cao trào của một ý thức, một đòi hỏi về một xã hội cấp tiến, dân chủ và thiên hướng duy lý của nó. Có thể đưa ra một so sánh dù là hơi khập khiễng - rằng Natxêdrin ở Trung Á chẳng hạn thì thực sự là một nhà hiền triết vui tính trong khi đó thì Trạng Quỳnh ở nước ta cũng rất vui tính song không có phong cách của nhà hiền triết. Cần phải nhận rõ điều đó để thấy chỗ mạnh, chỗ yếu của truyện Trạng - và cả truyện cười dân gian - ở nước ta.


Văn Tân:

"Tiếng cười của Trạng Quỳnh về căn bản là tiếng cười của thị dân Việt Nam hồi thế kỷ 18. 

Hình thái ý thức Trạng Quỳnh là hình thái ý thức có nhiều nhân tố thị dân đang bất mãn với hiện tại, đang khao khát một tương lai mới mẻ. Không có hình thái ý thức thị dân ấy, thì ở dưới chế độ phong kiến, không thể có thái độ chống giai cấp phong kiến có hệ thống và tương đối triệt để như thái độ Trạng Quỳnh được.

Tóm lại, truyện Trạng Quỳnh là một tác phẩm văn học có một nội dung chống giai cấp phong kiến thống trị, phong phú, mạnh mẽ, và một nghệ thuật trào phúng tinh vi, sắc bén. Đó là một tác phẩm văn học phê bình hiện thực có giá trị của nền văn học trào phúng Việt Nam".

( Sơ thảo Lịch sử văn học Việt Nam, quyển 3, Nhà xuất bản Văn, Sử, Địa, Hà Nội, 1959, tr. 148, 149).


Lê Chí Quế:

"Đặc điểm về mặt kết cấu của truyện Trạng Quỳnh khác biệt so với các truyện cười dân gian khác là nó được tập hợp lại thành hệ thống xung quanh một nhân vật trung tâm: Trạng Quỳnh.

Truyện Trạng Quỳnh là hệ thống truyện có giá trị tố cáo, phê phán chế độ phong kiến một cách mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong các truyện cổ dân gian Việt Nam".

(Văn học dân gian Việt Nam, Tủ sách Đại học Tổng hợp, Hà Nội, 1990, tr.157).


Kiều Thu Hoạch:

- "Truyện Trạng Quỳnh tuy cùng loại hình với truyện Trạng Lợn nhưng đã tiến một bước xa hơn hẳn cả về nội dung phê phán hiện thực lẫn cấu trúc nghệ thuật.

Trạng Quỳnh chĩa mũi nhọn vào mọi thứ quyền uy lớn nhỏ của xã hội phong kiến. Trạng Quỳnh đã đồng thời công kích cả vương quyền lẫn thần quyền, hai thành lũy vốn từ lâu là thiêng liêng bất khả xâm phạm của chế độ quân chủ. 

Vua Lê, chúa Trịnh, thần thánh, quan lại, sứ giả của "Thiên triều"... trong truyện Trạng Quỳnh đều là những hình tượng nhân vật ngu đần, kệch cỡm đều trở thành những cái bung xung để làm trò cười cho nhân dân. 

Truyện Trạng Quỳnh cùng với hệ thống các truyện Trạng, truyện Cười khác là tiếng nói phê phán hài hước của nhân dân muốn từ giã chế độ phong kiến suy tàn đương thời. Truyện Trạng, truyện Cười là biểu hiện cao của ý thức dân chủ và tinh thần chiến đấu của nhân dân".

(Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Đinh Gia Khánh, Trần Tiến chủ biên, Sở Văn hóa và thông tin Hà Nội, 1991, tr.120, 121).


Hoàng Tiến Tựu:

"Trước tiên, truyện Trạng Quỳnh nêu lên vấn đề thông minh tài trí. Khi học tập, nghiên cứu truyện cổ tích, ta đã thấy vấn đề này được nói đến trong nhiều truyện, nhưng không ở đâu con người thông minh tài trí được xây dựng tập trung, độc đáo như ở Trạng Quỳnh.

Cái thông minh của Trạng Quỳnh căn bản là của quần chúng, do đó việc đề cao tài trí Trạng Quỳnh cũng chính là đề cao trí tuệ của quần chúng. Bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, cái thông minh tài trí của con người vẫn đáng quý, đáng ca ngợi, nhưng đáng quý, đáng ca ngợi hơn cả là khi cái thông minh tài trí ấy được đem ứng dụng vào trong thực tế đấu tranh của quần chúng. Trạng Quỳnh đã làm được điều đó. Vì vậy truyện Trạng Quỳnh không phải chỉ đề cao con người thông minh tài trí, mà chính là đề cao con người biết vận dụng tài trí của mình vào trong cuộc đấu tranh thực tế chống phong kiến. Tư tưởng phản phong là tư tưởng chủ đạo quán triệt trong toàn bộ truyện Trạng Quỳnh.

Vấn đề chống phong kiến không phải đến truyện Trạng Quỳnh mới được đặt ra, lại càng không phải là một nội dung mới mẻ và riêng biệt của truyện Trạng Quỳnh. Trong thực tế, vấn đề chống phong kiến đã được đặt ra từ lâu trong những thế kỷ trước và đến thế kỷ XVIII nó đã trở thành một nội dung chủ yếu trong hầu hết những tác phẩm văn học dân gian cũng như trong nhiều tác phẩm của văn học viết.

Nhưng cái đáng chú ý trong truyện Trạng Quỳnh là ở phạm vi và mức độ phản phong của nó.

Kẻ thù của Trạng Quỳnh rất đông, phạm vi đấu tranh của Trạng Quỳnh rất rộng. Cuộc đời của Trạng Quỳnh là một cuộc đấu tranh liên tục không ngừng".

(Lịch sử văn học Việt Nam, tập I, phần 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, in lần 3, 1970, tr.192, 193).

"Tiếng cười của truyện Trạng Quỳnh căn bản là tiếng cười đấu tranh phê phán xã hội theo yêu cầu của tinh thần dân tộc và dân chủ. Nhân vật Trạng Quỳnh luôn bám sát kẻ thù của dân tộc và nhân dân, bám địch và đánh địch không ngừng, không chỉ cho đến khi chết. Và cái chết của Trạng Quỳnh cũng là cái chết rất đặc biệt và độc đáo - một cái chết vừa chủ động vừa bị động và bế tắc, vừa "bi", vừa "hài" rất phức tạp và giàu ý nghĩa".

"Đến truyện Trạng Quỳnh thì vai trò của quần chúng nhân dân mới được khẳng định và đánh giá cao. Nhân vật Trạng Quỳnh (cũng như nhiều nhân vật tích cực khác trong truyện cười) không phải là đối tượng, cũng không phải là phương tiện mà là chủ thể của tiếng cười phê phán".


Nguyễn Đăng Na:

"Kết tinh của trí và tài, dũng và lực là truyện Trạng Quỳnh và Trạng Ngộ. Cũng như những nhân vật Trạng khác, Trạng Quỳnh và Trạng Ngộ trực diện đương đầu với mọi thế lực xã hội từ thần quyền đến vương quyền, từ vua, chúa, hoàng tử, đến tổng đốc, quan thị, tri huyện, từ bọn quan trường đến bọn xiểm nịnh... Chủ động giăng bẫy để đưa đối phương vào là sở trường của các Trạng. Tất cả bọn thống trị, dù quyền cao chức trọng đến đâu, dù ác độc đến mấy cũng đều bị trí và dũng của Trạng biến chúng thành những con rối, những anh hề thảm hại... Bạo lực có thể giết được con người, nhưng không giết nổi trí và dũng của con người. Trạng Quỳnh chết bắt chúa Trịnh phải chết theo. Tiếng cười vang lên! Cười vì chiến thắng, cười vì khinh bỉ".

(Truyện Trạng, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1988, tr.4).


Trần Gia Linh:

Một hệ thống truyện cười dân gian Việt Nam gồm nhiều truyện cười ngắn, xoay quanh nhân vật trung tâm là Trạng Quỳnh, một hình tượng văn học đầy sáng tạo của nhân dân thế kỷ 18, tượng trưng cho trí thông minh, sức mạnh chiến đấu, tinh thần lạc quan của quần chúng chống lại bộ máy cai trị của chính quyền phong kiến từ trên xuống dưới thời Lê mạt... Trạng Quỳnh là bức tranh tố cáo toàn bộ hệ thống cai trị của chế độ phong kiến... Cuộc sống đã bị đảo lộn, những giá trị tinh thần cần đánh giá lại. Nhân dân muốn "từ giã chế độ phong kiến" bằng hệ thống truyện cười. Truyện còn có những hạn chế nhất định, cái chết của Trạng Quỳnh thể hiện sự bế tắc, cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhưng không có lối thoát... Là một hệ thống truyện cười có kết cấu tương đối chặt chẽ. Từng truyện tách riêng có thể coi như một truyện hoàn chỉnh về nội dung cũng như hình thức, nhưng vẫn thống nhất xung quanh một nhân vật chính. Một tác phẩm tập trung được nghệ thuật gây cười của dân gian từ lối nói, hành động đến hoàn cảnh đáng cười.

(Từ điển văn học, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nôi, tập 2, 1984, tr.415, 416).


Trương Chính và Phong Châu:

"Quỳnh mang tính chất nhà Nho. Quỳnh hay nói chữ, hay làm thơ, câu đối. Thơ nôm Quỳnh phảng phất thơ Hồ Xuân Hương. Nhưng mặt nào đó, Trạng Quỳnh giống Trạng Lợn ở chỗ gần nhân dân, có đầu óc thực tế, hay lấy kinh nghiệm sống để giải quyết khó khăn. Lại nữa, tuy giỏi văn thơ, nhưng để đả kích kẻ thù, không phải lúc nào Quỳnh cũng dùng văn thơ mà có thể văng tục, như trong một số truyện cười. Tính nhân dân của truyện Trạng Quỳnh đặc biệt thể hiện ở mặt chọn đối tượng đả kích, và bổ sung cho truyện cười bằng cách tấn công vào bọn chóp bu của chế độ phong kiến...

Truyện Trạng Quỳnh hấp dẫn ở chỗ nhân vật Trạng Quỳnh lúc nào cũng tỏ ra thông minh, tài trí. Cái thông minh tài trí, tuy nhiều lúc thô bạo, lèo lá, nhưng đã được dùng vào việc chống chính quyền phong kiến, chống thần quyền, chống khoa cử hư danh, tức là chống giai cấp thống trị và những kẻ tiếp tay cho chúng".

(Tiếng cười dân gian Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội)

1 nhận xét:

  1. Thanks for sharing such an informative blog. If anyone is looking for ADA Compliance website development services then visit Qdexi Technology .

    Trả lờiXóa